06/10/2020 20:38  

Tạm gác việc, cầm chiếc đĩa sứ chạy ra. “Ơi chị Sáu, bán cho đĩa. Nhớ chỉ lấy bánh với tôm chấy và đậu xanh thôi. Khỏi nước mắm nhé...”. Sáu dừng chiếc xe đạp, vạch miếng giấy bóng phủ trên mẹt: “Chú lấy bánh bèo hay bánh ít?”. Dòm vô, à té ra chị có bán cả hai loại. Bánh bèo bột gạo, bánh ít bột nếp phơi trắng phau trên chiếc mẹt tre tròn vạnh.
Mưa rả rích, chị xoay chiếc dù che lại chút, rồi thoăn thoắt gắp bánh bèo vô đĩa. Này đây, chút đậu xanh đánh nhuyễn, hũ tôm chấy dậy mùi và một muỗng hành phi, thêm ớt xay và vài cọng rau. “Vậy thôi Sáu, để nước mắm em tự lo”. “Đây có nước mắm ngọt, chú pha không?”. “Thôi chị, để ăn với nước mắm quê”.
Hỏi vu vơ vài chuyện, chị kể vô Sài Gòn đã hơn chục năm, buổi sáng bán hết một mẹt, trưa về đổ bánh tiếp, tầm hai giờ chiều đi một chuyến nữa, đến lúc mình kêu mua đã vơi hơn nửa mẹt. “Cực nhọc, mà cũng có đồng vô đồng ra nuôi con, chú à”, Sáu kể.
Rồi nhìn dáng chị tất bật quay xe, đạp đi trong gió nghiêng nghiêng, lại “bánh bèo ơ… bánh bèo ơ…” lảnh lót! Bưng đĩa bánh vô nhà, lấy chiếc chén bắt đầu soạn pha chế nước mắm. Nhặt trên góc bếp một chai nhỏ màu hổ phách. Nước mắm quê chính hiệu được người em gửi vô từ Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị). Ủ cá cơm tươi với muối thuần khiết, bền bỉ chiết từng dòng từ thùng gỗ mít, mở nắp ra đã nghe dậy mùi biển quê nhà. Lúi húi dằm trái ớt, cho thêm tí đường, rót từng thìa nước mắm đổ vô chén, quậy đều với chút nước sôi để nguội. Nước mắm dần loãng ra nhưng hương cá cơm vẫn lan nhẹ đầu đũa, không thể không mút một chút để coi, biết đã pha vừa miệng hay chưa.
Loại nước mắm này, ngày xưa gần bốn chục năm trước, mụ Kỷ (mụ là bà, giọng địa phương Bình Trị Thiên thường kêu vậy) vẫn thường ngày quẩy đôi quang gánh, vượt qua bao trảng cát lên vùng bán sơn địa, nơi những ngọn đồi trung du quê tôi nối tiếp trập trùng, để đổi nước mắm lấy gạo hoặc lúa. Nước mắm nhà mụ Kỷ làm, lâu đời truyền lại nên vang danh quanh vùng. Hai chai loại 750 ml đổi lấy một thúng lúa 12 kg, hoặc một chai cỡ vậy đổi một mủng (loại rá đan sít lại bằng tre), đựng khoảng hơn chục lon bơ sữa bò gạo. Giờ vẫn nhớ như in không quên được.
Mỗi gánh nước mắm hai đầu quang, mụ Kỷ đổi được khoảng chục thúng lúa. Lúa nhiều, nên gửi lại nhà gia chủ đổi nước mắm với mình, rồi sau đó lên lấy xay ra gạo ăn dần. Dạo về quê có hỏi thăm, người quen kể mụ khuất đã lâu. Mấy người con vẫn giữ nghề làm nước mắm gia truyền, nghe nói người con dâu bây giờ có sạp bán nước mắm ở chợ huyện.
Dông dài một chút với kỷ niệm xưa khi làm chén nước mắm quê để chấm bánh bèo, bởi dường như đã quen vị tự thuở thiếu thời. Tự dưng lan man nhớ vậy!
Bánh bèo trắng, tôm chấy xay từ tôm phơi khô được chị Sáu phủ lên một màu đỏ gắt, thêm trên mỗi chiếc bánh chút màu xanh xanh của bột đậu. Ăn trong một chiều mưa thu, mỗi khi gắp chiếc bánh bèo lại nhớ thuở nhỏ, nơi góc nhà dáng mạ ngồi bên chiếc cối xay bột gạo, nói vọng ra ngoài với mấy anh em: “Chạy chơi mô nhớ chút về ăn, chiều ni mạ đổ bánh bèo...”.




Bài viết liên quan