Khu tôi ở sát ngã tư An Sương (quận 12), có rất nhiều nhà trọ công nhân đang làm ở các công ty may nhỏ, xưởng may gia đình, nhà xưởng cơ khí dọc quốc lộ 1, và cho dân lao động phổ thông tứ xứ tụ lại. Chợ ngồi xổm (ý chỉ cho công nhân mua sắm), vì thế cũng mọc lên nhiều hơn, như chợ Lạc Quang hay Tân Phú Cường, đều có giá rất “mềm”. Hẻm tôi có khoảng 20 hộ gia đình, thì 10 hộ sống bằng đồng thu nhập cho thuê dăm ba phòng trọ (xây kế bên nhà), 5 còn lại thì cho thuê luôn nhà.
Cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng tôi đang bị Covid-19…hành. Mọi chi tiêu phải tằn tiện trên đồng lương giảm suốt. Thứ bảy rồi, tôi được vợ dí cho hơn trăm ngàn để đi chợ. Vợ phán: phải mua đủ đồ ăn cả ngày.
Chạy xe máy rảo một vòng các chợ ngồi xổm quanh nhà, tôi quyết định thực đơn hôm nay gồm: một bữa canh bầu với thịt bầm và thịt kho trứng, bữa còn lại là canh chua cá tra, cá sẽ đem ra ăn với nước mắm ớt. Rảo rảo giữa mấy quầy hàng, bầu đang bán 10.000-12.000 đồng/kg (khoảng 2 trái) thì chợt thấy một anh chạy xe máy với nguyên hàng bầu sau xe, 10.000 đồng được ba trái, thế là không ngần ngại mua ngay. Tiếp theo là ghé quầy thịt, 20.000 đồng thịt băm và 30.000 đồng thịt ba rọi, tạt qua quầy trứng, 4 trứng vịt hết 12.000 đồng nữa.
Rồi, tới buổi chiều, chạy lại sạp rau, cà chua chi hết cả thảy 20.000 đồng/kg, thêm ít trái đậu bắp hết 5.000 đồng, 3.000 đồng giá đỗ, 2.000 đồng me chua, và 4 khứa cá tra 40.000 đồng, vừa đủ cho một nồi canh chua.
Đủng đỉnh chạy về nhà, lôi đồ ra, thở phào ngồi tính thử, đạt chỉ tiêu vợ đề ra: hết khoảng 150.000 đồng cho 2 bữa cơm trong ngày. Nhưng khi lúi húi mở khạp gạo thì ôi thôi, còn chưa tới một lon. Lại phải đội nắng chạy ra sạp gạo đầu hẻm, lấy 5kg tấm hết 60kg.
Bữa tối, được vợ khen “khéo vun vén”, tôi chợt nhẩm tính, vậy là chi phí tối thiểu trong một tháng cũng mất hơn 9 triệu đồng, gồm tiền chợ 4,5 triệu đồng, tiền điện 600.000 đồng, nước 100.000 đồng, ăn sáng 4 người tròm trèm 2 triệu, học phí cho một đứa mẫu giáo là 2 triệu, một đứa cấp 1 là 1,8 triệu. Khoản này đứt tiền lương một người. Các khoản chi còn lại nằm hết trên vai vợ tôi, khoảng hơn 7 triệu/tháng.
Tối, anh bạn trọ nhà bên, có cơ sở may gia đình với 4 máy may, cũng hai đứa con nhưng nhỏ hơn con tôi, rủ qua nhà lai rai cuối tuần với mấy anh hàng xóm khác, nghe tôi nói chuyện lâu lâu được vợ khen một bữa, cười: “Ý là ông không phải lo tiền trọ, như tui đây là thêm 3 triệu mỗi tháng, còn mấy ông mướn phòng trọ như ông này, ông này, chưa có con hoặc mới một đứa, thì 1-2,2 triệu nữa, thêm mấy cái đám cưới hiếu hỉ, cảm sốt đi bác sỉ lặt vặt, anh chị em bạn bè mượn tiền…là đứt luôn tháng lương người còn lại. Lỡ có bệnh hoạn vô nhà thương là…mệt trong người liền.
“Mà đen nhất bây giờ là thất nghiệp,” anh khác thòng thêm.
Khu tôi ở, đã lác đác biển “cho thuê phòng” vì một số đã nghỉ làm, về quê từ hồi đầu dịch Covid-19. Số khác mới rời đi hồi tháng 6, tháng 7. Một anh nói: ghe đâu công ty cho nghỉ vì phá sản hay thiếu việc làm.
Mới nghe cụm từ “thất nghiệp”, chợt rùng mình. Sống giữa chốn thị thành, một gia đình, nếu chưa con cái, coi như 10 triệu đi toong, có con thì 14-15 triệu. Nên, vợ hoặc chồng, ai thất nghiệp cũng đều rất sợ. Rủi cả hai mất thu nhập còn sợ hơn. Tiền đâu chi tiêu trong ngày. Tiền đâu bệnh tật, thuốc men. Tiền đâu đóng học phí cho con. Nước cuối đường, phải rồng rắn về quê. Xóm tôi ở, có nhiều gia đình trẻ đã chọn cách này.
Vợ chồng tôi vẫn còn may mắn hơn các gia đình khác khi còn duy trì được thu nhập, tuy có giảm khoảng 30% so với trước dịch Covid-19. Nhưng, nhìn vào các chỉ số kinh tế, chỉ số thất nghiệp (hàng ngày tôi vẫn theo dõi sát sao), thật đáng lo lắng. Lo vì không biết đến lúc nào mình sẽ rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp. Liệu có trụ lại được TP nữa?
Tôi tin doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, vì hàng trăm ngàn công ty vẫn đang nổ lực sản xuất, kinh doanh ngay giữa mùa dịch. Trong đó có công ty tôi và vợ tôi. Lúc này, không chỉ là các doanh nghiệp, tôi nghĩ mỗi người, mỗi gia đình phải có một cách thức riêng để duy trì cuộc sống khi đồng lương giảm suốt. Hy vọng dịch Covid-19 qua mau.