Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là vùng đất nổi tiếng với loại trái cây cam bù, thế nhưng những năm vừa qua, người dân nơi đây cứ rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”.
Với suy nghĩ không để rơi vào thế bị động luẩn quẩn ấy, anh Trần Nam Giang ở xã Sơn Trường (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã chọn lối đi riêng.
Anh Giang tâm sự: Tình cờ một lần xem trên tivi, thấy người người dân các vùng đồi núi nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên vào năm 2014, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Bước đầu, anh tìm hiểu mua 4 con lợn nái và 1 con lợn đực giống rừng về nuôi “thử nghiệm”.
Nhờ lựa chọn con giống tốt, lại nuôi với hình thức bán hoang dã, thả rông nên lợn có sức đề kháng, sinh sản đạt yêu cầu. Mỗi năm, lợn rừng cho sinh sản 2 lứa, bình quân mỗi lứa từ 7 - 9 con lợn con.
Vừa làm vừa đúc rút học hỏi kinh nghiệm, đồng thời mở rộng dần quy mô, đến nay trang trại của anh đã tăng lên hơn 200 con lợn rừng với 20 con lợn nái.
Anh Giang xây dựng mô hình theo phương pháp hữu cơ. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu có sẵn trong vườn như: rau chuối, ngô, sắn, các loại cỏ, quả xanh...
Đặc biệt, ngoài những thức ăn trên, anh Giang còn cho đàn lợn của mình ăn thêm các loại dược liệu, cây thuốc như khổ sâm, chè cỏ…
“Hương Sơn là vùng rừng núi, cây dược liệu nhiều, lợn rừng bản tính nó hoang dã và ăn đủ thứ loại rau, cây thuốc ở trong rừng. Cho ăn thêm các loại cây dược liệu như khổ sâm sẽ giúp cho đàn lợn có sức đề kháng, phòng dịch tốt, hơn nữa thịt sẽ ngon hơn”, anh Giang cho biết.
Cũng theo anh Giang, việc nuôi lợn rừng không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chú ý theo dõi để có cách chăm sóc hợp lý. Điều quan trọng là phải có diện tích vườn đồi đủ rộng, lợn được thả rông thịt mới thơm ngon như lợn rừng tự nhiên.
Lợn rừng thường nuôi khoảng 1 năm là bắt đầu xuất chuồng với trọng lượng tầm 40kg đến 50kg. Thị trường đầu ra đối với lợn rừng tương đối ổn định, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
Mỗi năm, anh Giang xuất bán khoảng 200 con lợn rừng thương phẩm ra thị trường, với giá bán ổn định 140 - 150 nghìn đồng/kg lợn hơi, thậm chí có thời điểm lên đến 180 nghìn đồng. Trừ hết các chi phí, đàn lợn rừng đã mang về cho gia đình anh 300 - 400 triệu đồng mỗi năm.
Anh Giang chia sẻ, sắp tới anh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, đồng thời sẽ liên kết với một số hộ gia đình để cùng xây dựng một thương hiệu sản phẩm chất lượng.
Ông Trần Minh Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trường cho biết, mô hình nuôi lợn rừng của hộ gia đình anh Trần Nam Giang là mô hình kinh tế mới của địa phương.
“Có thể nói đây là mô hình nuôi lợn rừng đầu tiên trong địa phương. Mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao và từng bước tạo được thương hiệu”, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trường cho biết.
Xuân Sinh