01/10/2020 3:24  

Chia sẻ tại hội nghị, PGS - TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng C14 (Viện Khảo cổ học), cho biết đến giờ đơn vị mới có kết quả một mẫu xét nghiệm để xác định niên đại cọc gỗ ở Cao Quỳ bằng phương pháp đồng vị carbon C14. Trong số này, có 1 mẫu do một trưởng thôn tại địa phương mang lên.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử cho rằng mẫu xét nghiệm do người dân đưa lên thì không đáng tin. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, phát biểu tại hội nghị: "Tôi không hiểu tại sao lại dùng mẫu của người dân mang lên, mẫu của đoàn khai quật đâu. Mẫu người dân thì tôi không tin vì quy trình lấy mẫu C14 rất phức tạp. Nếu lấy mẫu không chính xác kết quả sẽ sai".
Ông Nguyễn Tiến Đông cũng cho rằng, kết quả C14 chỉ là một căn cứ để nghiên cứu, không phải là mấu chốt để kết luận niên đại bãi cọc.
TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, cũng cho biết về mặt tiêu chuẩn lấy mẫu như vậy là không được. Theo ông Kiên, điều quan trọng nhất để xác định bãi cọc Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng 1288 hay không là niên đại thì lại chưa khẳng định được.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Hồng Kiên chưa tin đây là bãi cọc gỗ chiến trận: “Cá nhân tôi chưa tin đó là bãi cọc. Nếu là cọc thì phải đóng xuống vũng lầy nhưng hình ảnh đưa ra thì hầu hết các cọc đều được chôn. Tức là không phải ở dưới nước.Hiện nay, khi nói về bãi cọc này, các nhà khoa học cũng đã chừng mực hơn”. TS Nguyễn Hồng Kiên cũng khẳng định cần phải xác định được niên đại của cổ vật vì điều đó mới nói lên được kết quả của cuộc khảo quật.
Trước đó, sau khi tham quan thực tế bãi cọc vào chiều 28.9, nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo cũng đưa nhiều hoài nghi: “Xung quanh khu vực này toàn là núi. Bãi cọc nằm ở giữa. Có thể đây là vùng vịnh cổ gần như khép kín. Trầm tích thì có than bùn. Nếu ở đây là dòng sông thì không thể có trầm tích than bùn được. Vậy thì tại sao lại có cọc gỗ ở đây. Cần có góc nhìn của nhà quân sự để làm rõ”. Ông Nguyễn Văn Hảo cho rằng các kết luận trước đây về bãi cọc là quá vội vàng.

Cần tiếp tục nghiên cứu liên ngành

Trong khi đó, GS Lê Văn Lan vẫn cho rằng: “Có cơ sở để nói cọc gỗ Cao Quỳ liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu đa ngành từ khảo cổ, địa mạo, địa chất để củng cố việc xuất lộ bãi cọc”.
Có cùng quan điểm với GS Lê Văn Lan, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng bãi cọc Cao Quỳ nhiều khả năng thuộc về trận địa Bạch Đằng 1288.
Ông Ngọc nêu ý kiến: “Việc xác định niên đại cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị carbon C14 là rất khoa học. Nhưng niên đại của cọc gỗ có phải là niên đại của bãi cọc hay không? Có thể cọc từ nhiều đời có chồng xếp lên nhau. Giống như các mẫu vật ở Hoàng thành Thăng Long. Vì vậy, nếu ai đó lấy kết quả C14 để kết luận niên đại bãi cọc Cao Quỳ thì tôi không đồng ý. Ai đó nói đây là cọc đáy hay cọc kiến trúc thì cũng là không hiểu gì”.
GS Nguyễn Quang Ngọc vẫn đề nghị đặt bãi cọc vào thế trận Bạch Đằng năm 1288 và tiếp tục nghiên cứu.
Trước những luồng ý kiến khác nhau về bãi cọc Cao Quỳ, TS Bùi Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), Trưởng tiểu ban khảo cổ học dưới nước, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu liên ngành thì mới có góc nhìn rõ ràng.



Việt Nam  


Bài viết liên quan